B có vai trò trong việc tăng số đốt, số cành dự trữ, tăng số mầm hoa. B cũng có tác dụng kích thích sự nẩy mầm của hạt phấn, sự tăng trưởng của túi phấn, giúp cho quá trình hình thành quả xảy ra thuận lợi.
– Hiện tượng thiếu B thường xảy ra trên đất xám có thành phần cơ giới nhẹ. Khi bị thiếu B lá cà phê bị nhỏ lại và ngắn hơn, rìa lá không bình thường, các chồi ngọn hay bị khô, các cành ngang hay bị chết.
Phòng trị: Cần chú ý bón vào đất khoảng 30 – 60gam borax (Na3B4O7)/cây/năm. Hoặc phun borax nồng độ 0,4%, hoặc acid boric (H3BO3) nồng độ 0,3% 2 lần cách nhau 20 – 25 ngày cho hiệu quả nhanh.
2.3.3. Sắt (Fe).
Sắt không có vai trò rõ ràng đối với sinh trưởng và phát triển của cà phê. Sắt chỉ làm cho màu hạt cà phê đẹp hơn.
Trên đất trồng cà phê ở Việt Nam nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng thì hiện tượng cây cà phê bị thiếu sắt rất hiếm khi xảy ra vì pH của đất thấp (4,0 – 5,5) và hàm lượng hữu cơ không cao nhưng hàm lượng sắt trong đất lại cao. Thiếu sắt các lá non hơi chuyển vàng song gân lá vẫn còn xanh có dạng hình mắt lưới. Thiếu sắt hạt cà phê có thể bị vàng.
Khi bị thiếu sắt thì hàm lượng Fe trong lá biến động từ 15 – 35ppm.
Phòng trị: Bón chelat sắt hoặc phun sunphát sắt (FeSO4nH2O) thì hiệu quả tốt hơn phun. Lượng bón từ 15 – 20 gam/cây.
2.3.4. Mangan (Mn).
Mangan có vai trò xúc tiến quá trình quang hợp của cây xảy ra tốt hơn.
Trên đất có pH thấp rất hiếm xảy ra hiện tượng thiếu Mangan. Tuy nhiên đối với đất rất chua thì ngộ độc Mangan lại dễ xảy ra.
Thiếu Mangan thì lá ở đầu cành (cặp lá trưởng thành cuối cùng) từ màu vàng hơi xanh sang màu vàng vỏ chanh có xen vệt trắng. Lúc này hàm lượng Mn trong lá từ 10 – 20ppm.
Phòng trị: Khi bị thiếu Mn, phun dung dịch sunphát mangan (MnSO4) 0,4% cùng với nước vôi Ca(OH)2 0,2% là có hiệu quả nhanh nhất.
Một vài điều đáng chú ý:
* Hiện tượng thiếu các nguyên tố N, P, K, Ca, Mg, S, Zn, B…đối với cây cà phê không chỉ do bón phân thiếu hoặc chưa đủ các nguyên tố đó mà còn do có khi ta bón một lượng phân bón quá cao, nhưng lại mất cân đối nghiêm trọng giữa các nguyên tố dinh dưỡng.
* Trường hợp bón đạm quá cao thì cây cà phê không hút kali được vì vậy dẫn đến hiện tượng cây thiếu kali. Hoặc có khi bón đạm với lượng cao nhiều năm liên tục gây chua đất, hàm lượng nhôm di động trong đất cao, kìm hãm sự hấp thu dinh dưỡng của hệ rễ hoặc gây thối đầu rễ tơ dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng đối với cây, trong đó đạm thể hiện đầu tiên. Tùy theo nhu cầu các chất dinh dưỡng của cây theo từng giai đoạn mà cây cà phê biểu hiện triệu chứng thiếu dinh dưỡng cụ thể của từng nguyên tố. Ví dụ khi cây cà phê bị bệnh rễ trong giai đoạn quả lớn nhanh thì triệu chứng thiếu kali sẽ thể hiện đầu tiên, hoặc có khi trên cây thể hiện nhiều triệu chứng cùng một lúc. Bón kali cao không cân đối với đạm thì cây cà phê có khả năng bị thiếu Canxi hoặc Magiê. Bón lân cao thì cây cà phê không có khả năng hút được kẽm. Bón lân nung chảy cao thì cây cà phê dễ bị thiếu kali, thiếu Bor…
* Lưu ý là khi cây cà phê bị các bệnh gây hại rễ thì triệu chứng thiếu đạm, lân và kali , magiê rất dễ xuất hiện.
Do vậy khi triệu chứng thiếu dinh dưỡng xảy ra đối với cà phê thì ta cần xem xét đầy đủ các yếu tố chủ quan (do bón phân) hoặc khách quan như tình hình bệnh, đặc biệt là bệnh hại rễ cà phê để có hướng xử lý kịp thời và hiệu quả.